bhxh

Tìm hiểu về phân quyền quản trị bệnh viện với nhiều mô hình tự chủ tại Châu Âu

Thứ bảy - 03/06/2023 09:06
Tổ chức Y tế thế giới đã giới thiệu những kinh nghiệm về phân quyền quản trị bệnh viện tại các nước Châu Âu (“What is the experience of decentralized hospital governance in Europe?” - 2018) do Nhóm quan sát về chính sách và hệ thống y tế Châu Âu thực hiện (European Observatory on Health Systems and Policies) thực hiện. Điểm nổi bật dễ nhận thấy, đó là đi đôi với tự chủ phải là phân quyền quản trị bệnh viện, nhất là tài chính và nhân lực, trong đó xu hướng chung là chuyển quyền quản lý nhà nước tập trung ở trung ương xuống địa phương.
Tìm hiểu về phân quyền quản trị bệnh viện với nhiều mô hình tự chủ tại Châu Âu

Các bệnh viện ở Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm áp lực về chi phí điều trị ngày càng tăng, phát triển chuyên môn kỹ thuật và công nghệ trong y khoa, gánh nặng bệnh tật, sự mong đợi của người bệnh ngày càng tăng, áp lực về tái cấu trúc mô hình quản trị bệnh viện truyền thống ở một số quốc gia, sự cạnh tranh ngày càng tăng từ khu vực y tế tư nhân. Trước những thách thức đó, phương thức “quản lý bệnh viện” theo truyền thống đã chuyển sang phương thức “quản trị bệnh viện” ở hầu hết các nước tại Châu Âu .

Khái niệm quản trị bệnh viện xuất hiện tại Châu Âu từ những năm 2000, khi mà những quyết định của của các nhà quản lý bệnh viện bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nêu trên. Có thể chia quản trị bệnh viện ở 3 mức độ khác nhau khi ra các quyết định liên quan đến hoạt động của bệnh viện, bao gồm:

Mức vi mô (micro-level): là công việc quản lý hoạt động hàng ngày của bệnh viện, bao gồm các hoạt động của nhân viên y tế trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc người bệnh  nhằm đạt kết quả tối ưu. Thuật ngữ “quản trị” ở mức độ này bao gồm những gì mà công tác “quản lý bệnh viện” theo truyền thống từng làm kết hợp với quản lý nhân lực, hoạt động đảm bảo chất lượng, quản lý tài chính ở mức độ các khoa, phòng, và các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh.

Mức trung gian (meso-level): là các quyết định về những chính sách của bệnh viện. Đó là các chính sách mà bệnh viện được phép thực hiện, không bị giới hạn bởi các ràng buộc pháp lý ở cấp vĩ mô, ví dụ các quyết định về triển khai các dịch vụ.

Mức vĩ mô (macro-level): là các quyết định của chính phủ về xác định cấu trúc cơ bản, tổ chức bộ máy và tài chính của toàn bộ hệ thống y tế và của bệnh viện. Các quyết định nhằm duy trì hoạt động của các bệnh viện sử dụng ngân sách từ nguồn thu thuế để phục vụ cộng đồng. Cấp độ vĩ mô của quản trị bệnh viện là một phần của chính sách quốc gia, khu vực hoặc địa phương, thiết lập nên tổng thể vể cấu trúc, hoạt động, và tổ chức bộ máy của các bệnh viện.

Khi bàn về phân quyền quản trị bệnh viện, người ta thường bàn đến cấp độ vĩ mô trong quản trị bệnh viện. Nhiều quốc gia ở Châu Âu đã chuyển sang hệ thống y tế phi tập trung, nghĩa là quản trị bệnh viện thuộc trách nhiệm của các cơ quan địa phương. Tại một số nước, đây là kết quả của các quá trình phát triển có tính lịch sử lâu đời hơn là việc hoạch định chính sách rõ ràng về phân quyền quản trị bệnh viện. Ngược lại, ở một số nước khác, các hệ thống y tế đã chủ động triển khai phân quyền quản trị bệnh viện, hoặc là một phần của những thay đổi chính sách rộng lớn hoặc là một phần của chính sách cải cách hệ thống y tế.

Đẩy mạnh tự chủ bệnh viện và phân quyền quản trị bệnh viện trong hệ thống hành chính của ngành y tế là những giải pháp chính hiện nay tại các nước Châu Âu. Các xu hướng chính trong phân quyền quản trị bệnh viện bao gồm: tăng quyền quản trị cho các bệnh viện nhưng nhà nước sẽ kiểm soát trực tiếp hơn đối với trách nhiệm trong công tác quản trị bệnh viện, đến phân cấp cho chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về hệ thống y tế.

Đặc biệt là tại nước Anh và Hà Lan, cả hai đã bãi bỏ các cơ quan chuyên lập kế hoạch tập trung đầu tư vốn vào các bệnh viện, thay vào đó là chuyển trách nhiệm theo kế hoạch riêng lẻ cho từng bệnh viện theo cơ chế tự chủ. Cả hai nước đã chấp nhận khái niệm về cạnh tranh trong lĩnh vực y tế, nhưng đồng thời sẽ can thiệp khi cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ bệnh viện phá sản. Sự tham gia quản lý nhà nước của chính quyền địa phương giúp mở rộng khung quản trị cho hệ thống y tế, với các cấp hành chính trung gian đã giúp các bệnh viện thoát khỏi hành chính tập trung, như ở Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ở Ý và Phần Lan, đã có sự thống nhất trên toàn lãnh thổ, các cơ quan địa phương cộng tác để phối hợp đầu tư và lập kế hoạch cho việc phát triển các dịch vụ của bệnh viện.

Vai trò của các cơ quan nhà nước cũng khác nhau giữa các quốc gia, tùy thuộc vào sự phân cấp quản lý hành chính. Nơi mà các tổ chức công cộng được sở hữu bởi chính quyền địa phương (Đan Mạch) hoặc chính quyền khu vực (Ý), các bệnh viện sẽ chịu sự kiểm soát trực tiếp của các cấp chính quyền tương ứng. Ngoài ra, một số khu vực đã bắt đầu tổ chức các cơ quan y tế địa phương và ủy thác cho bệnh viện (Ý). Ở Phần Lan, các bệnh viện không tương ứng với chính quyền cấp khu vực, thay vào đó hoạt động quản trị bệnh viện được điều chỉnh bởi Hội đồng bệnh viện.

Mục đích của giao quyền tự chủ và phân quyền quản trị bệnh viện nhằm giúp cho các bệnh viện có thể thích ứng với những yêu cầu mới:

- Các bệnh viện được giao quyền tự chủ lớn hơn, giúp bệnh viện linh hoạt hơn trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân địa phương , chủ động hơn về nguồn lực, và giúp bệnh viện đạt hiệu quả hơn.

- Phân quyền quản trị bệnh viện là một phương thức chuyển trách nhiệm từ chính quyền trung ương xuống chính quyền địa phương, cho phép bệnh viện đưa ra quyết định ở cấp địa phương như một phương thức để thúc đẩy sự đáp ứng với yêu cầu của cộng đồng và thích ứng với tình hình thay đổi mô hình bệnh tật.

Về quyền tự chủ bệnh viện, tại các nước Châu Âu có 3 mức độ khác nhau:

- Quyền tự chủ hạn chế: Trong mô hình này, các bệnh viện trong khu vực công ít có phạm vi để ra quyết định về dịch vụ nào được cung cấp. Bệnh viện không thể tạo ra doanh thu hoặc tái đầu tư cho sự phát triển của bệnh viện.

- Quyền tự chủ vừa phải: Trong mô hình này, các bệnh viện trong khu vực công là một tổ chức pháp lý độc lập, có thể đưa ra quyết định về phạm vi dịch vụ cung cấp và có thể tạo ra doanh thu và tái đầu tư từ thặng dư.

- Quyền tự chủ tối đa: Trong mô hình này, bệnh viện hoặc là hoàn toàn thuộc sở hữu tư nhân hoặc vẫn thuộc khu vực công, nhưng không chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc được quản lý bởi các cấp cao hơn của chính quyền công. Bệnh viện được tự do tạo ra lợi nhuận và đưa ra quyết định về đầu tư vốn, trong một khuôn khổ pháp lý nhất định.

Tương ứng 3 mức độ về quyền tự chủ như trên, đã có nhiều mô hình bệnh viện mới ra đời. Các mô hình bệnh viện có quyền tự chủ tối đa được ghi nhận ở Anh và Hà Lan. Tại Tây Ban Nha, có 4 loại bệnh viện khác nhau tùy theo quyền sở hữu và quyền tự chủ.

Thử phân tích các mô hình tự chủ tại Tây ban Nha:

Bắt đầu từ những năm 1980, đã có những thay đổi đối với quyền sở hữu của các bệnh viện công ở Tây Ban Nha để tạo thuận lợi cho việc ký hợp đồng tiềm năng cho các dịch vụ bằng cách tạo ra sự phân chia rõ người mua - nhà cung cấp. Sự sắp xếp này đã nâng cao tính linh hoạt trong hệ thống và cho phép đánh giá hiệu quả bệnh viện trở thành trung tâm của vận hành một hệ thống hiệu quả:

a. Các công ty chăm sóc sức khỏe công cộng (empresas públicas sanitarias, EPS) là các cơ sở công nhưng chịu sự điều chỉnh của luật y tế tư nhân đối với các vấn đề chưa được điều chỉnh bởi luật y tế công, nhân viên y tế công tác tại các bệnh này không bắt buộc theo quy định của pháp luật, không bắt buộc phải là viên chức (bác sĩ được trả lương theo hiệu quả công việc).

b. Các tổ chức phi lợi nhuận (fundaciones) là các tổ chức hoạt động theo luật tư nhân, để đáp ứng nhu cầu xã hội cụ thể bằng nguồn vốn công, vốn tư nhân hoặc hỗn hợp. Nhân viên y tế công tác tại các bệnh này không bắt buộc theo quy định của pháp luật, bệnh viện tự xác định các gói dịch vụ cung ứng và có quyền tự chủ để chọn nơi đầu tư, tự quyết định mua sắm hay thuê trang thiết bị, và tự do quản lý dòng tiền của chính họ và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp.

c. Consortia (consorcio) là các pháp nhân hợp pháp từ việc sáp nhập các cơ sở y tế công lập với các tổ chức phi lợi nhuận tư nhân, nhân viên y tế công tác tại các bệnh này không bắt buộc theo quy định của pháp luật. Người quản lý có quyền tự chủ để thuê hoặc mua trang thiết bị và quyết định các gói dịch vụ cung cấp.

d. Nhượng quyền quản trị (concesiones administrativas): thường là một loại hình liên doanh thương mại giữa các công ty bảo hiểm y tế tư nhân, các nhóm doanh nghiệp về y tế, hiệp hội xây dựng hoặc ngân hàng thực hiện các gói thầu xây dựng bệnh viện và cả quản lý bệnh viện, bao gồm cả các dịch vụ lâm sàng và cận lâm sàng, nhân viên y tế công tác tại các bệnh này không bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Với mô hình công ty chăm sóc sức khỏe công cộng, Ban kiểm soát của Hội đồng bệnh viện bao gồm đại diện của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, mỗi người có quyền phủ quyết, hạn chế quyền tự quyết định của bệnh viện. Tuy nhiên, với mô hình “consortia”, các bệnh viện được phép tạo ra doanh thu và tái đầu tư thặng dư, trong khuôn khổ cho phép. Như vậy, các bệnh viện ở Tây Ban Nha thuộc nhóm có quyền tự chủ vừa phải.

Nguồn tin: Sở Y tế TP Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây